NGƯỜI DỰNG KỊCH PHI LÝ

Mọi sự chưa phải đã kết thúc, nhà văn - tổng thống Havel hôm nay vẫn đang cùng dân tộc mình trăn trở kiếm tìm sự thật, hay như ông nói, là phải tiếp tục tìm kiếm “cuộc sống trong chân lý.

Trong năm 2005, cuộc bình chọn “100 người  Séc ưu tú nhất” đã đi đến một kết quả hoàn hảo. Trong "top ten" - mười danh nhân có số phiếu bình chọn cao nhất, vượt lên trên 90 danh nhân còn lại, có tên hai nhà văn. Một người là nhà văn nữ thuộc thế kỷ 19: Božena Nĕmcová, người thứ hai là nhà văn nam, đồng thời là người duy nhất trong số mười người, đang còn sống: nhà văn, nhà soạn kịch Václav Havel.

Tên tuổi của nhà văn cựu tổng thống này đã được độc giả văn học và khán giả sân khấu biết tới từ 40 năm trước. Từ văn đàn nghệ thuật bước sang hoạt động chính trường, từ nhà văn trở thành tổng thống - Đó không phải là một bước ngoặt nghề nghiệp nào đó quá lớn lao, đột xuất, mà là một sự chuyển hoá tất yếu, một bước đi tự nhiên của một nghệ sỹ can trường trước những thử thách cam go, dai dẳng của dân tộc Séc.

Nhà soạn kịch phi lý
V. Havel nổi tiếng trước hết như một nhà soạn kịch phi lý. Vở kịch đầu tay “Người đi nhờ ô tô” của ông được dàn dựng từ năm 1961. Và hai năm sau, với vở kịch “Lễ hội làm vườn”, nhà văn trẻ tài năng này đã khẳng định chắc chắn chỗ đứng của mình như một kịch tác gia độc đáo nhất trong dòng kịch phi lý của nghệ thuật sân khấu châu Âu.

Vở kịch bốn hồi này mở màn bằng hình ảnh nhân vật chính Hugo Pludka đang ngồi chơi cờ một mình. Anh đánh cờ để chiến thắng chính bản thân mình. Sợ anh thành kẻ gàn dở, cha mẹ bắt Hugo ra khỏi nhà, “vào đời” để học lấy một nghề gì đó.

May mắn đã đưa chân Hugo đến một lễ hội làm vuờn do “Cơ quan Tiêu Diệt” tổ chức. Tại đó, nhờ năng lực tổng hợp, chế biến các loại thành ngữ và lối nói mị dân, sáo rỗng trong cơ quan, Hugo đã thạo nghề, thậm chí đã gây ra hàng loạt vụ việc rắc rối và các tình thế ngớ ngẩn, phi lý. Cuối cùng Hugo đã thành đạt sau khi tiêu diệt luôn Cơ quan Tiêu Diệt và Dịch vụ Khai Mạc. Hồi 4 của vở kịch kết thúc bằng cảnh Hugo trở về thăm cha mẹ. Anh ta trở về với tư cách là thủ trưởng của cơ quan do anh ta mới thành lập. Đó là Hội đồng Khai Mạc và Tiêu Diệt... Trước câu hỏi của cha mẹ: Anh bây giờ là gì rồi? Hugo trả lời như một triết gia hiện sinh chủ nghĩa: “Tôi ấy à? Tôi là ai ư?  Vậy thì nghe đây! Tôi không thích những câu hỏi được đặt ra một cách đơn giản như thế. Thật thế... Con người là một cái gì đó phong phú, phức tạp, luôn biến dạng, nhiều khuôn mặt. Trong con người không có gì là bền vững, vĩnh viễn và tuyệt đối hết... Tất cả chúng ta lúc nào cũng là chúng ta một ít rồi lại không phải là chúng ta. Tóm lại, kẻ nào quá là mình thì lập tức có thể lại không còn là mình nữa...” Từ một con người lành mạnh, cuối cùng Hugo đã đánh mất mình mặc dù anh ta đã thành đạt trong địa vị Thủ trưởng của Hội đồng Khai Mạc và Tiêu Diệt.

Không gian nghệ thuật của bốn hồi kịch “Lễ hội làm vườn” là một không gian ngự trị của hệ thống các sáo ngữ. Đó là một thế giới phi lý tính, nơi làm chủ không phải là hành động và tư tưởng mà là các khẩu hiệu, các mệnh đề trống rỗng. Tại đây, các khái niệm đã mất nội hàm, không liên quan gì tới đối tượng phản ánh của chúng. Các giá trị tinh thần, các tư tưởng lành mạnh không còn tác dụng. Còn cá nhân con người thì bất lực và vô nghĩa lý, nhưng lại được quản lý kỹ lưỡng trong sổ sách của “Cấp trên”.

Trong hồi 3, đợt công diễn tại Nhà hát Divalo Na Zabradlí, “Cấp trên” được thể hiện bằng căn phòng Giám đốc với pho tượng không đầu. Cái hình nhân không mặt mũi đó chính là biểu tượng cho quyền lực - một thứ quyền lực nặc danh. Biểu tượng quyền lực câm lặng này khiến người ta nhớ đến nhân vật Khlextacốp trong vở “Quan Thanh tra” của Gôgôn. Tất nhiên từ Gôgôn tới Havel là một khoảng cách khá xa về thời đại và phương pháp nghệ thuật. Gôgôn nhìn đời sống xã hội từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực, Havel nhìn cuộc đời từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh. Cái phi lý trong đời sống con người được tác giả Séc nâng lên ở bình diện triết học và được thể hiện bằng các thủ pháp nghệ thuật phi lý tính, trong đó trước hết là bằng các thủ pháp ngôn ngữ phi lôgic. Nhà phê bình văn học Sergây Makhônin trên tờ Báo Văn, năm 1963 đã bình luận: “Những chuyện trong đời ta chưa cảm nhận ra được thì ở đây (trong vở kịch - PTH) hiện ra như trong một chiếc kính lúp vĩ đại và biến thành sự huỷ diệt ngôn ngữ tự nhiên của con người. Xem “Lễ hội làm vườn”, con người nhận ra một sự thật: Bức biếm hoạ khủng khiếp này hoá ra lại được dựng nên từ những hiện tượng rất đỗi bình thường, những cách thức, sự kiện đời sống mà chúng ta lâu nay vẫn gửi gắm vào đó biết bao hy vọng”. Với ý ý nghĩa tác phẩm đó, Havel đã được coi như một tác giả có bút pháp hiện thực hơn, cổ điển hơn các đại gia của kịch phi lý như Iônexcô và Bêchket.

Năm 1965 Havel cho ra mắt vở “Báo tin”, một vở kịch viết để đọc nhiều hơn là để diễn. Tuy nhiên khi dàn dựng, nó lại làm diễn viên hào hứng nhập vai và rất hấp dẫn khán giả. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về với cuộc sống đời thường, mối hoài nghi của Havel về tương lai đất nước đã trở nên nặng nề. Nhiều tiểu phẩm và tiểu luận chính trị của ông trong những năm 70 làm chấn động dư luận độc giả và giới trí thức Séc. Năm 1972, ông viết vở “Nhạc kịch ăn mày”. Ngày 1 tháng 11 năm 1975 tác phẩm được một đoàn kịch nghiệp dư trình diễn. Buổi diễn rất thành công, nhưng lập tức nó trở thành “tang chứng nhỡn tiền” khiến cho tác giả, đạo diễn, một số diễn viên và cả khán giả bị truy nã, giam cầm. “Nhạc kịch ăn mày” được viết khá thoải mái, hóm hỉnh, rất gần với kịch B. Brech. Nội dung tư tưởng toát lên từ đó là thái độ tố cáo sự độc đoán của hệ thống quyền lực vốn quen sử dụng con người một cách cảm tính, mị dân.

Trong năm 1975 Havel còn có hai vở kịch một màn là “Buổi tiếp kiến” và “Khai trương triển lãm”, viết với mục đích tiêu khiển trong phạm vi bạn bè, nhưng sau đó lại được dàn dựng ở nhiều nước châu Âu. Nhân vật chính trong “Buổi tiếp kiến” là nhà văn Vanek, có bóng dáng tính cách và lýý lịch tác giả. Câu chuyện trong kịch chỉ xoay quanh buổi đối thoại giữa chàng Vanek bị lĩnh án cải tạo lao động trong nhà máy bia với “cấp trên” của mình là ông thợ nấu chính. Tác phẩm có nghĩa phê phán quan niệm tính nhân dân giả hiệu và cảnh báo hậu quả khôn lường của quan niệm đó khi nó va chạm với văn hoá trí thức chân chính.
 

Liên tục trong hai năm 1984,1985, Havel hoàn thành 3 vở kịch năm hồi: “Khúc nhạc sầu” (Largo desolato), “Thử nghiệm” và “Trùng tu”. Nhân vật chính của “Khúc nhạc sầu” là một tiến sỹ triết học, do thời thế xô đẩy mà phải sống trong vai một anh hùng. Vì các hoạt động văn học và hoạt động xã hội hồn nhiên, sôi nổi, tiến sỹ Kopriva này vô tình trở thành đại diện ưu tú của lực lượng dân chủ, nhưng đối với cảnh sát, anh ta là một kẻ đáng nghi về âm mưu lật đổ chính phủ. Thần kinh Kopriva quá căng thẳng nên khi thì anh thấy mình là một anh hùng, khi thì như một tên hèn nhát. Anh trở thành kẻ cô độc lúc nào không hay. Qua khe cửa nhà mình, anh phải liên tục hé mắt vào theo dõi xem có ai đó sẽ đến bắt mình không. Người ta khi thì khuyên anh tích cực hoạt động xã hội, khi thì khuyên anh nên viết đơn tự thú và xin ân xá trước. Tình cảnh của anh càng trở nên rắc rối và cùng quẫn hơn bởi ba người tình: Một bà bạn gái đồng khoa, thông minh, đáo để, một cô bồ nhí ngây thơ, và một cô gái trẻ lăng nhăng, dâm đãng. Để thoát khỏi tình thế rắc rối, anh chấp nhận vào tù, nhưng oái oăm thay, anh càng chờ đợi càng chẳng thấy tăm hơi một ai đến bắt anh cả!

Có ý kiến nghi ngờ rằng vở kịch nêu trên có tính tự thuật, rằng đó là một tác phẩm tố cáo chế độ. Về điều này, tác giả phải ngậm ngùi tuyên bố: Nếu tác phẩm kịch của tôi chỉ được xem như tư liệu về một hoàn cảnh xã hội cụ thể, về một thể chế chính trị nào đó chứ không phải là những khái quát về thân phận con người, thì tôi coi như kịch mình viết ra là thất bại.

Kịch “Cám dỗ” được Havel viết dựa theo các mô tip dân gian về Fauxtơ cũng như cốt truyện một vở kịch cùng tên của Gớt. Chuyỵện xảy ra trong một viện nghiên cứu khoa học, nơi mà người ta chú ý “... canh phòng tính khoa học của khoa học trước các lýý thuyết giả danh khoa học”. Đứng đầu Viện về chuyên môn là Primar, một người luôn được “Phó Thủ trưởng” dẫn dắt, chỉ bảo và luôn biết nghe lời Bí thư. Tuy nhiên Fauxtka là người có uy tín khoa học khá cao. Cô thư ký của Viện tên là Magnet rất khâm phục Faustka. Trong Viện còn có một người chuẩn bị về hưu tên là Fistula, người không chỉ được cấp trên giao một nhiệm vụ gì đó đặc biệt mà còn có khả năng thôi miên và sử dụng pháp thuật quỷ sứ. Biết vậy, Fauxtka đã nhờ Fistula dạy cho biết các phép ma thuật. Lập tức, Faustka bị truy tố vì các hành vi mờ ám. Marketa bênh vực Faustka, cô liền bị đuổi khỏi Viện một giờ đồng hồ. Còn Faustka thì bảo vệ bản thân bằng thứ lýý lẽ mị dân rằng anh muốn tiến hành một cuộc chiến không khoan nhượng với các trò mê tín dị đoan và tiến hành phát triển các ngành khoa học chân chính.  Faustka thổ lộ với Fistula rằng: anh đang muốn tiếp tục nghiên cứu môn khoa học chiêu hồn và muốn hợp tác với Fistula nhằm bảo vệ những người bị áp bức. Thế là đã rõ. Fistula liền tố cáo Faustka vì hoạt động vô chính phủ. Số phận của Faustka coi như đã chấm hết. Trong bầu không khí hoài nghi, giả dối của Viện, người ta chỉ thấy một chiếc áo khoác bảo hộ lao động bay lên phập phồng. Cả sân khấu phủ kín một làn khói đen.

“Cám dỗ” là tác phẩm có tính chất nhại, nhưng về mặt nội dung, đó vẫn là sự tiếp tục kiểu nhân vật “người trí thức thất sủng” và phát triển chủ đề quen thuộc của Havel lâu nay: sự tồn tại hiện sinh chủ nghĩa của con người và những nỗ lực tự vệ của nó trước bộ máy quyền lực bạo hành.
 
Từ sau “Cám dỗ”, sáng tác kịch của Havel không mấy thành công. Hoạt động chính trị căng thẳng đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng nghệ thuật của nhiều vở kịch. Nhiều nhân vật trong kịch của ông trở thành “chiếc loa phát ngôn cho tinh thần thời đại”, thành công cụ tuyên truyền chính trị. Người đọc biết tới Havel không còn với tư cách của một kịch tác gia mà chủ yếu như một cây bút chính luận. Các tập “Diễn văn Havel” (1990), “Suy ngẫm mùa hè” (1991) thực chất là các văn kiện chính trị tương lai, ra đời một cách ngẫu hứng, kết hợp sự nhạy cảm của một nghệ sỹ và một chính trị gia.

Ðường lên dinh Tổng thống
Sinh ngày 5 tháng 10 năm 1936, trong một gia đình tư sản Praha, nơi ông nội là chủ nhân của cung điện Lucerna, cha là người giàu có, đã từng bỏ tiền xây dựng cả khu phố biệt thự Barrandov nổi tiếng, lớn lên, V. Havel bị xếp vào thành phần “không cơ bản” nên không được học đại học. Năm 1955 tốt nghiệp trung cấp Hoá học, ông trở thành nhân viên phòng thí nghiệm và xin học hệ tại chức khoa Kinh tế của Đại học Bách khoa Séc. Đang học dở dang, ông phải đi nghĩa vụ quân sự 3 năm. Hết hạn, ông xin vào làm thợ sửa chữa sàn diễn cho nhà hát Divadlo ABC và Divadlo Na Zabradlí. Tại đây ông theo học tại chức Đại học Sân khấu. Ngay từ khi ở lính, ông đã bộc lộ tài năng sân khấu. Trong một vở kịch tự biên tự diễn của ông, ông thủ vai nhân vật tiêu cực, xem xong, viên chỉ huy đã quyết định kỷ luật ông, chỉ vì ông diễn... quá xuất sắc. Trong môi trường nhà hát, tài năng và sự học hành bài bản đã đưa ông tới vị trí trợ lý đạo diễn, rồi thành nhà soạn kịch.

Sau khi tốt nghiệp đại học tại chức vì không cơ quan nhà nước nào cả gan làm “biên chế” nhận ông, ông bắt đầu sống như một nhà văn tự do. Năm 1965 ông làm biên tập viên của tạp chí Văn học Tvar, sáng lập “Hội nhà văn Trẻ Tiệp Khắc” và “Hội Nhà văn tự do”.

Năm 1969, ông bị kết tội lật đổ nước cộng hoà. Năm 1975 ông thành lập nhà xuất bản tư nhân Edice Expedice. Năm 1977, ông là người đồng sáng lập và phát ngôn viên của Hiến chương 77, kêu gọi mở rộng dân chủ và thị trường hoá nền kinh tế. Vì lý do đó ông nhận án tù 14 tháng. Cũng trong năm này ông vận động thành lập “Uỷ ban Bảo vệ những người oan ức”. Nhưng ông chủ tịch “Uỷ ban...” đã không bảo vệ được chính mình. Một năm ngay sau khi thành lập, ông lĩnh án tù bốn năm rưỡi. Tới năm 1983, vì mắc nhiều bệnh nặng, ông được ân xá sớm mấy tháng. Từ năm 1986 – 1989 ông là thành viên của Hội đồng biên tập tạp chí Sân Khấu và tờ Dân Báo.

Tháng 1 năm 1989 vì ý định đặt hoa tưởng niệm Jan Palach, một sinh viên tự thiêu, phản đối sự can thiệp của quân đội nước ngoài, tại quảng trường Vaclav, ông lại bị vào tù 10 tháng nữa.

Ra tù, ông trở thành người sáng lập Diễn đàn Công dân, rồi trở thành linh hồn của “cách mạng nhung” Tiệp Khắc. Ngày 5 tháng 7 năm 1990 ông được bầu làm tổng thống Tiệp Khắc. Ngày 20 tháng 7 năm 1992, ông từ chức tổng thống vì thấy bất lực trong việc bảo vệ cơ cấu Cộng hoà Liên bang. Sau khi Séc và Xlovakia tách riêng thành hai nước cộng hoà, ngày 2 tháng 2 năm 1993 ông lại được tôn vinh trở lại về dinh Tổng thống. 

Người đi tìm sự thật
Có ý kiến cho rằng: không có một sự nghiệp văn học, V. Havel không thể trở thành tổng thống. Đó là một ý kiến xuất phát từ thiện chí đề cao văn học nhưng không đủ sức thuyết phục, cho dù hoạt động văn học và sân khấu đã nâng cao uy tín chính trị của ông. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, hoạt động chính trị không phải khi nào cũng ảnh hưởng thuận lợi tới sáng tác. Không ít thời kỳ các tư tưởng chính trị còn gây phương hại tới chất lượng nghệ thuật của kịch bản Havel.

Cũng không ít ý kiến chia tách V. Havel thành “hai con người”: con người công dân - chính trị và con người nghệ sỹ, một chính trị gia và một kịch tác gia. Sự phân chia này thực ra là hình thức, một sự phân chia theo lối hành chính. Bởi vì nếu có chuyện “hai trong một” thì hai con người đó trong ông là hoàn toàn thống nhất.

Ông là một chính khách nghiệp dư. Ông làm chính trị một cách hồn nhiên như bản năng yêu ghét, buồn vui vốn có ở một con người. Cả trong đời lẫn trong văn chương chỉ có một con người nhất quán chi phối mọi hành vi, hoạt động của ông. Đó là con người thiết tha với sự thật. Thân sinh ông là một nhà tư sản yêu nước, chống phát xít. Những biến động lớn lao trong đời sống chính trị Séc đã làm ông thành kẻ thiệt thòi, oan ức. Nhưng truyền thống gia đình và thiên lương nghệ sỹ đã không biến ông thành kẻ thù oán, hằn học với đời, mà ngược lại, đẩy ông lên tầm nhân cách của một người yêu nước, đấu tranh cho tương lai dân tộc.

Ông không phải là người chống chủ nghĩa xã hội. Thậm chí ông yêu tư tưởng ấy. Có điều, đó phải là một chủ nghĩa xã hội nhân đạo, phù hợp với điều kiện lịch sử đất nước mình và mang đặc thù dân tộc Séc. Thản nhiên trước mọi đe doạ, tù tội, bất chấp sức ép của những định kiến giai cấp, ông kiên trì vận động, đấu tranh cho sự đổi mới tư duy chính trị, tư duy văn hoá. Vì vậy mà những biến động căng thẳng và phức tạp trong đời sống chính trị Tiệp Khắc cuối năm 1989 đã tìm ông như tìm tới một ngọn cờ tập hợp. Ông cảm thấy sững sờ khi thấy mình trở thành tổng thống. Người Séc và châu Âu hôm nay vẫn giữ nguyên trong ký ức hình ảnh sống động về một tổng thống Séc bình dân, trong bộ com lê nhàu nhĩ, lúng túng ra sao khi bước lên khán đài trước hàng triệu cặp mắt cảm thông và trìu mến của dân chúng. Ông đã trở thành chính khách như một sự vô tình.

Cầm trong tay vận nước trước thời điểm lựa chọn lịch sử, ông đã bình tĩnh, sáng suốt đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ của một cuộc nội chiến tương tàn. Quyết định từ chức tổng thống của ông năm 1992 là một hành động anh minh và cao thượng, giúp cho sự phân tách Liên bang diễn ra êm ái, không có xung đột giữa hai dân tộc Séc và Xlôvakia. Đó là một trong những lý do để đầu những năm 90, ông trở thành một ứng viên sáng giá  của giải Nobel Hoà bình.

Mười bốn năm làm tổng thống, V. Havel buộc phải gác lại sau lưng sự nghiệp văn học. Nếu không tính tới hoạt động báo chí và phê bình nghệ thuật, kịch phi lý của ông là một hiện tượng văn học rất hấp dẫn. Cũng giống như các nhà soạn kịch phi lý của châu Âu những năm 50, ông có quan niệm riêng của mình về kịch. (Vì lý do đó mà kịch phi lý không hợp thành một khuynh hướng, trào lưu). Thực ra cái phi lý trong sáng tác kịch của ông chỉ là hình thức để biểu đạt cái nội dung rất duy lý của cuộc đời. Ông lấy cái phi lý để tìm kiếm cái có lý. Trong tác phẩm “Hỏi cung từ xa”, ông cho rằng: sân khấu có thể trở thành “điểm toả sáng của những tư tưởng sinh động,... là không gian của tự do và là phương tiện của sự tự ý thức con người”. Từ những hình tượng sân khấu của ông toát lên nỗi khát khao tìm kiếm, khiến người ta liên tưởng tới F. Kafka - nhà văn Praha thời đầu thế kỷ. Đó là khát khao tìm kiếm sự thật về số phận con người và số phận dân tộc.

Cố nhiên, nhiệt tình tìm kiếm không phải khi nào cũng được toại nguyện. Sau ba năm nghỉ hưu, mặc dù phải chịu đựng những đau đớn bệnh tật, ông đang cố gắng tìm lại nguồn cảm hứng sáng tác một thời của mình. Mới đây, từ những chiêm nghiệm lịch sử, nhà văn Havel đã phải thốt lên rằng: dưới thời chủ nghĩa xã hội, tôi thấy mình được tự do hơn...(?) Khái niệm “tự do” ông dùng ở đây có thể phải kiểm định kỹ lưỡng. Điều mà chúng tôi quan tâm và muốn dẫn ra để kết luận bài viết của mình ở đây là: Mọi sự chưa phải đã kết thúc, nhà văn - tổng thống Havel hôm nay vẫn đang cùng dân tộc mình trăn trở kiếm tìm sự thật, hay như ông nói, là phải tiếp tục tìm kiếm “cuộc sống trong chân lý”.
 
Phạm Thành Hưng 
Giới thiệu từng phần: