QUỐC CA CH SÉC

Lời của bài hát Quốc Ca Séc do nhà thơ Josef Kajetán Tyl viết. Phần âm nhạc là của Frantisek Skroup.
Khác với quốc kỳ CH Séc, bản quốc ca có một cuộc đời gian truân và kỳ thú hơn ngay từ sau khi ra đời.
Cách đây hơn 170 năm, ngày 21 tháng 12 năm 1834, lần đầu tiên những lời ca tha thiết trong bài “Quê hương tôi nơi đâu” đã được cất lên như một phần trong vở kịch “Fridlovacka”. Lời của bài hát do nhà thơ Josef Kajetán Tyl viết. Phần âm nhạc là của Frantisek Skroup. Từ sân khấu, bài hát bước ra cuộc đời, thấm sâu trong tâm hồn mỗi người dân và thực sự bắt đầu một cuộc đời riêng của nó.
Josef Kajetán Tyl sinh ngày 4 tháng 2 năm 1808 ở Kutná Hora. Bố ông là thợ may và nghệ sỹ trong quân đội. Tyl lần lượt học trung học ở Praha, Hradec Kralové và sau đó quay lại Praha học Triết học. Năm 1826 ông bắt đầu tham gia biểu diễn trong đoàn kịch lưu diễn Hilmarov. Sau khi đoàn kịch này tan vỡ, ông đã trải qua nhiều nhà hát khác nhau ở Đức, Áo, Italia. Năm 1832, Tyl quay lại Praha và làm việc như một kế toán trong doanh trại quân đội ở Praha. Thời gian này ông bắt đầu dịch các vở kịch từ tiếng Đức, dịch các vở kịch của Shakespear và bắt đầu quá trình sáng tác của mình.
Từ năm 1835-1837 Tyl là giám đốc Nhà hát Ochotnicky Kajetánsky, nơi nhà thơ nổi tiếng của dân tộc Séc, Karel Hynek Macha từng tham gia biểu diễn. Năm 1842 Tyl làm đạo diễn Nhà hát phố Hoa Hồng tại Praha; Năm 1846 trở thành nhà soạn kịch tiếng Séc ở nhà hát Stvorske; Năm 1848 trở thành nghị sỹ của nghị viện Đế quốc Áo - Hung. Những cuộc tấn công của các phe đối lập trong nghị viện thời kỳ cách mạng năm 1848 đã làm Tyl mệt mỏi và chán nản.
KDE DOMOV MŮJ** Bản nhạc do Mgr. Jiři Kocourek cung cấp, với lời tạm dịch như sau:
“Quê hương tôi nơi nao, quê tôi nơi nao?
Những đồng cỏ dạt dào nước suối,
Những rừng thông reo vi vút trên vách núi.
Trong vườn cây mùa xuân hoa nở.
Trước mắt ta - mặt đất có thiên đường!
Non nước xinh đẹp này là nước Séc, quê tôi
Ðất nước Séc này là quê hương của tôi!”
(Quê hương tôi nơi đâu)
Fr. Škroup - J. K. Tyl
Ông rời Praha và cho đến khi chết chỉ làm một diễn viên lưu diễn bình thường của nhóm J.Kulas. Ông bị kiệt quệ và từ dã cuộc đời khi chỉ mới 48 tuổi, vào ngày 11 tháng 7 năm 1856, tại Plzeň. Hiện ngôi mộ của ông nằm tại Nghĩa trang Mikulas.
Tyl viết rất nhiều các tác phẩm văn học nhưng ông nổi tiếng nhiều nhất bởi các vở kịch của mình, trong đó có “Con nhặt” (1838), “Marjánka, người mẹ của trung đoàn” (1845), “Con gái tên ba trợn” (1847), “Người vỡ nợ” (1848), “Nhà ảo thuật khốn cùng” (1849).
Một trong những vở nhạc kịch đầu tay của Tyl là vở “Không giận dữ” (Fidlovacka). Âm nhạc của vở kịch này do Frantisek Skroup soạn và trong đó có cả một bài hát với các giai điệu “Quê hương tôi ở đâu”. Bài hát này sau được dân gian hóa và trở thành quốc ca của nước Tiệp Khắc độc lập ngay trong những ngày đầu tiên năm 1918.
Jiři Kolominský đã viết về Tyl và sự ra đời bài quốc ca của dân tộc Séc: “Skroup khi soạn nhạc năm 1834 cho vở kịch Flidlovacka đã không thể ngờ rằng ông đã góp phần tạo nên một giai điệu lột tả chính xác tâm hồn của dân tộc. Bài hát chỉ là một phần trong vở kịch của Tyl và được một nghệ sỹ mù hát lên trong ngày lễ hội của người dân Praha”
Josef Kajetán Tyl, khi đó mới 26 tuổi, còn Skroup, bạn học cũ cùng trường trung học của Tyl ở Hradec Kralové, lúc này đang tham gia rất nhiệt tình vào mọi hoạt động liên quan đến “Con rắn thiên đường” - nhà hát như họ thường gọi.
Trong doanh trại quân đội ở Praha, năm 1834, Tyl đã cho ra đời vở kịch đầu tiên “Bốn bức tranh đời sống Praha hay Fidlovacka” . Vì đây là vở nhạc kịch nên Tyl đã đến nhờ Frantisek Skroup giúp đỡ. Skroup đã thay đổi ít nhiều dự định ban đầu của Tyl. Tyl chỉ muốn có trong đoạn nhạc này một âm điệu yêu nước hoành tráng, nhưng Skroup đã kết hợp âm điệu hoành tráng của tình cảm ái quốc với xúc cảm của người nhạc sỹ qua những giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, pha nỗi buồn xao xuyến cùng với tiếng gió rừng và nhạc nền của violon. Mọi sự thay đổi sau này của bản nhạc đều không bao giờ có được ấn tượng như lần xuất hiện đầu tiên.
Ngày chủ nhật, 21 tháng 12 năm 1834, chỉ vài ngày trước lễ Noel, vào lúc 3:30’ vở kịch nhạc Fidlovacka được chờ đợi rất lâu đã ra mắt công chúng. Nhà hát Stvorsôi trong khi chờ mở màn đã chật kín, không còn một chỗ.
Vì sự thành công đột ngột ngay từ lần công diễn đầu tiên, “Fidlovacka” bị chỉ trích gay gắt và nhanh chóng biến mất khỏi đời sống kịch trường. Kịch bản “Fidlovacka” chỉ được tìm thấy gần 30 năm sau khi tưởng như đã rơi vào quên lãng. Nó được đem đi in lần đầu tiên vào năm 1877. Mãi đến năm 1917, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất sắp kết thúc, đạo diễn Karel Hogo Hilar mới vô tình xem lại kịch bản Fidlovacka. Thật bất ngờ, nó không phải là vở kịch “nặng nề”, mà ngược lại, rất “sống động” và vở kịch lập tức được công diễn tới hơn 70 đợt.
Bài hát “Quê hương tôi ở đâu” được rất ít người nghe trong hai lần biểu diễn đầu tiên. Con đường của các giai điệu quê hương đi vào tâm hồn người dân Séc vẫn còn rất gập ghềnh, xa ngái, cho dù bài hát đã rất được nhiều người thích ngay từ khi nghe lần đầu.
Karel Strakatý và Jan Krtitel Píšek thời bấy giờ là những ca sỹ opera nổi tiếng. Hai người rất yêu bài hát đó nên không bao giờ quên đưa nó vào trong danh mục chương trình các buổi biểu diễn của mình. Sự nhạy cảm và tài năng của hai nghệ sỹ opera này đã góp phần làm cho bài hát phổ cập khắp các miền đất Séc và Môrava. Năm tháng trôi qua, bài hát “Quê hương tôi ở đâu” đã trở thành bài hát dân gian, được hát ở mọi nơi, trong các phiên chợ đồng quê, quán bia, tiệm rượu, trong các lễ hội cũng như trong các buổi tối sinh hoạt gia đình.
Nhưng bài hát còn phải trải qua một cuộc thử thách quan trọng nữa. Đó là vào những năm 70, nhà văn nổi tiếng Jan Neruda đã có lần kêu gọi nhà soạn nhạc vĩ đại Jan Smetana sáng tác quốc ca mới. Thậm chí còn được tổ chức cuộc thi sáng tác lời để chọn ra một bài cho Smetana phổ nhạc. Nhưng Smetana đã từ chối kiên quyết: “Tôi sẽ không sáng tác bất kỳ bài hát nào từ những lời đó. Bài hát nào đã được nhân dân chọn lựa, nâng lên thành quốc ca, bài hát đó sẽ mãi mãi là quốc ca.”
Nhiều năm sau đó, Viteslav Novák đã thử sáng tác bài hát mới để thay thế quốc ca theo lời của Josefá Václav Sládek nhưng cũng không được người nghe chấp nhận.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, và bài hát “Quê hương tôi ở đâu” trong thời kỳ chết chóc và tàn phá được ngân lên như một nỗi niềm nhớ nhung thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Kết thúc chiến tranh. Những mong ước mơ hồ của nhân dân đã thành hiện thực. Năm 1920, Quyết định của Chính phủ số 19300 ghi rõ: Bài hát “Quê hương tôi ở đâu” là quốc ca Tiệp Khắc. Trong đạo luật không ghi tên tác giả quốc ca. Vì sao vậy? Vì gần như nó đã đươc dân gian hoá và trở thành sở hữu chung của toàn dân tộc. Gần một thế kỷ qua, trong những giây phút trang trọng nhất, “Quê hương tôi ở đâu” đã vang lên như tiếng gọi của núi sông, đồng vọng với tâm hồn Séc.
Lê Thanh Nam
Giới thiệu từng phần: