100 Chữ

"Đ..." sợ AI !

Mọi người lo sợ (AI-Trí Tuệ Nhân Tạo) sẽ thống trị con người. Không bao giờ có chuyện đó. Tôi hiểu điều đó khi xem đối thoại của ChatGPT và một người dùng, ngành văn hóa của một Quận ở Hà Nội. Sau khi bắt AI viết nhiều bài về một sự kiện văn hóa khu Hồ Trúc Bạch, vị này không hài lòng và chửi rất nhiều lần “Đ…m mày không hiểu à? Bịa à? … “ ChatGPT vẫn lịch lãm trả lời: “Tôi xin lỗi…” AI không bao giờ thay thế được con người vì quá lịch sự.
 

THÍCH NHẤT HẠNH

Thiền sư ra đi như một phật tử. Không tháp, không quan tài gỗ quý, không lễ nghi nặng nề. Chỉ khóa tu “im lặng”. Về với cát bụi.

Năm 2000, một nhà báo Hà Lan đã hỏi: “Ngài có hối tiếc gì khi chết không?”

Ngài trả lời rất tự nhiên: “Mọi người hối tiếc khi chưa làm gì đó. Một việc gì, sửa, thay đổi  điều gì trong quá khứ v.v. Tôi đã, đang làm cả đời những việc tôi muốn làm. Không bao giờ xong. Tôi chỉ tạm dừng và người khác sẽ  làm tiếp mà thôi.”

CHỨC TO MẮT THƯỜNG KHÔNG NHÌN THẤY

Na, một phụ nữ rất giỏi, làm hết phần lớn công việc của Hội và Văn phòng của Sở.

Nhiều người khen, nhiều người  không thích vì cô thẳng tính,  hiểu rõ vấn đề rất nhanh và nói đúng những gì xảy ra. Ở đây, Na không bao giờ lên chức được, làm phó suốt đời. Nhưng cô rất tự hào và vẫn vui vẻ với những “Chức to mắt thường không nhìn thấy” của mình. “Quan trọng là giúp được mọi người, giúp được bản thân,” như cô nói.

Rất nhiều người tìm gặp cô mỗi khi đến tỉnh.

ĂN HOA

Đi công tác, tôi được nghe kể có sư thầy rất thích món hoa huệ xào … tỏi !

Đành rằng dân gian ăn hoa thiên lý, hoa cải, hoa súp lơ… đã đành nhưng sư thầy đói hay nghiền món “hoa huệ xào” thì chưa thấy bào giờ.

Chùa càng ngày càng giống đời thường. Sư càng ngày càng giống người thường. Họ nói, các sư thực ra là người quản lý chùa thôi, nên ăn mặn, sống như người thường là đúng.

Tôi đã sửng sốt khi được rất nhiều phật tử giải thích vậy thay các thầy.

NGON

Thời đại ngày nay loạn. Cái gì cũng thành ngon hết.

Hoa đưa chúng tôi đi thăm góc hoa khu văn phòng, tự hào giới thiệu sự vất vả để có những bông hoa nở hôm nay. Một anh trong đoàn hỏi: “Đẹp quá, thế có ăn được không?”

 “Thịt, cá… rau ngon đã đành nhưng cái gì cũng hỏi xem có ngon không là sao?”, Hoa bức xúc.

“Hoa ngon, việc ấy ngon, chức ngon đấy, đến con bé ấy ngon….”, Hoa liệt kê.

Hoa bực mình: “Sao thế nhỉ, bây giờ cái gì cũng ‘ngon’, ‘thịt được không’?”

ĐẲNG CẤP

Mơ 24, à 23 tuổi rưỡi trầm trồ: “Chị thật đẳng cấp! Túi Hemes đấy!” Trời, túi thôi đắt hàng tỉ vậy?
Một mình vào quán, em Linh nhờ: “Giúp em 2 cái ghế.”
À, 1 ghế để đặt chiếc túi mua ở tận Pari, vài trăm triệu.
Hiền, làm bệnh viện, không có tùi để khoe.
Nhưng tôi thèm được đẳng cấp như em. Em và chồng bảo trợ 7 trẻ em nghèo ở Yên Bái nhiều năm rồi.
Tổng số tiền gửi các em hàng tháng suốt bấy nhiêu năm chắc thừa đủ mua nửa chiếc túi Hemes.

CHIA SẺ

Thời nay, ai ham hiểu hiểu biết thật sướng. Lên Internet tìm thấy hết. Chỉ khó biết đúng sai. Ai nhiều bạn “ảo” thì nguồn tin càng vô tận.
Thông tin vô tận thật là nguy hiểm vì… chúng phải từ đâu ra và lan tỏa rất nhanh nhờ những người tốt bụng muốn chia sẻ miễn phí nhanh nhất với cả thế giới.
Họ chia sẻ thông tin chứ không chia sẻ tiền hay trách nhiệm.
Nhà nước cũng là một trong số đó.
Người dân phải tin ai chứ !
Internet muôn năm! Chùa muốn nằm!

N.L.

GIẤY ĐI ĐƯỜNG

Hà Nội, 10 ngày suy nghĩ bắt chước Hải Phòng ra lệnh và yêu cầu người dân cần “giấy đi đường” trong đợt dãn cách.
Mọi người vất vả sửa, in lại các giấy đi đường tự làm trước đó theo mẫu mới.
Hà Nội nhớ ra, cần xác nhận của phường. Nhiều người phấn khởi, trước chưa biết làm, hiểu nhầm vội đến phường chen chúc, xếp hàng.
Ông Hoàng ghi: “Lý do: Ra ngoài vì ở nhà lâu, chán. Nghề nghiệp: tự do.”
Phường không cấp, ông nổi điên vì cãi nhau mãi mới đến phường được.

NÀM SAO?

Ông Hoàng là dân Phố Cổ Hà Nội, ra phường xin giấy đi đường theo chỉ thị mới của thành phố vì ở nhà chán quá.
Bị chặn ở chốt chống dịch Covid-19, không được qua vì không có giấy đi đường, có lý do cấp thiết.
“Ô, đến phường xin giấy đó mà?”, ông bực mình.
“Bác không lôn lóng, bác không đi được, bác không có giấy đi đường đến đó.”
Ông Hoàng thật sự mất bình tĩnh thành ra nói ngọng: “Vậy giờ tôi phải ‘nàm sao’ đây ông Bộ chưởng”.

THANH LÊ

ĂN ÍT SỐNG LÂU !

Quân, 34 tuổi, lái xe, uống chè từ năm 7 tuổi.
Chúng tôi thử nghiệm nano silic ở Thái Nguyên, thủ phủ chè Việt Nam.
Trên xe, Quân hiểu biết kể: Chè xanh giảm mỡ máu, chữa ung thứ v.v.
Bác Thụ, 7 đời trồng chè, kể về cây chè xanh hiện nay. Quân nghe, im lặng, đến cuối mới thốt lên: “Đúng là ăn ít sống lâu, sợ quá!”.
Quân bỏ hẳn uống chè, chuyển sang uống nước vối.
Tối đó, bác Thụ kể, phải phun  4-6 lần, thậm chí 7 lầ TBVTV cho mỗi vụ chè 30 ngày.

Pages